Tọa đàm Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ”

Video dùng cho buổi Tọa đàm “Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ” do Tap chí Điện tử Kinh doanh và Phát triển thực hiện.
Sáng nay, ngày 29/11/2024, buổi tọa đàm với chủ đề “Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ” diễn ra tại Hà Nội. Tọa đàm mở để các bên cùng chia sẻ, thảo luận về các chính sách thiết yếu nhằm thúc đẩy thị trường tài chính vi mô phát triển mạnh mẽ, phù hợp với Chiến lược phát triển tài chính toàn diện Quốc gia và những điều chỉnh mới trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi, tháng 1/2024). Đồng thời, buổi tọa đàm cũng tập trung làm rõ những thách thức trong quản lý và vận hành của các chương trình, tổ chức tài chính vi mô hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp cải thiện dựa trên nền tảng pháp lý của các nghị định, quyết định và thông tư hiện hành.

Tọa đàm Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ nhằm tạo ra một diễn đàn mở để các bên cùng chia sẻ, thảo luận về các chính sách thiết yếu nhằm thúc đẩy thị trường tài chính vi mô phát triển mạnh mẽ, phù hợp với Chiến lược phát triển tài chính toàn diện Quốc gia và những điều chỉnh mới trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi, tháng 1/2024). Đồng thời, buổi tọa đàm cũng tập trung làm rõ những thách thức trong quản lý và vận hành của các chương trình, tổ chức tài chính vi mô hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp cải thiện dựa trên nền tảng pháp lý của các nghị định, quyết định và thông tư hiện hành.

Tham dự chương trình, về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có: Đại diện các Vụ và các Cục; Đại diện Viện Chiến lược Ngân hàng.

Về phía khách mời có: Ông Ambrosio Barros – Trưởng đại diện văn phòng Đa quốc gia khu vực Mekong, Giám đốc Quốc gia IFAD Việt Nam, Lào, Myanmar, Thái Lan.

Về phía diễn giả và chuyên gia có: GS.TS Đào Văn Hùng – Nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; PGS. TS Lê Văn Luyện – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng; Thành viên Hội đồng Học viện Ngân hàng nhiệm kỳ 2020-2025; TS. Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; TS. Nguyễn Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương; Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; TS. Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế; Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội; ông Hoàng Văn Thành – Bí Thư Đảng ủy Bộ phận Tổ chức tài chính vi mô CEP, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức tài chính vi mô CEP; ông Vũ Quốc Bình – Luật sư – Phó Chủ tịch HĐQL Quỹ VietED – Chương trình tài chính vi mô VietED; bà Trần Thuý Linh – Giám đốc Chương trình tài chính vi mô VisionFund Việt Nam, trực thuộc Tổ chức World Vision International.

Đại diện các tổ chức Tài chính vi mô gồm: Tổ chức tài chính vi mô CEP; Tổ chức tài chính vi mô Tình thương, Tổ chức tài chính vi mô M7, Tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa. Đại diện 69 Chương trình TCVM. Đại diện các bộ, ban ngành và cơ quan liên quan: Đại diện Hội phụ nữ. Các bên quan tâm khác bao gồm: Các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và các cá nhân quan tâm khác.

Về phía đơn vị chỉ đạo: Ông Nguyễn Quốc Hải – Viện trưởng Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE).

Về phía đơn vị tổ chức: Bà Đinh Thị Ánh Tuyết – Chủ tịch VietED Group; Nhà báo Bùi Văn Khương – Tổng biên tập Tạp chí điện tử kinh doanh và phát triển. Cùng sự hiện diện của các cơ quan báo chí, truyền thông.

67492a20d5140.jpg
Nhà báo Bùi Văn Khương, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Bùi Văn Khương, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển nêu, năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg. Chiến lược đặt mục tiêu mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính an toàn, phù hợp, có chi phí hợp lý, hướng tới tính trách nhiệm và bền vững, đồng thời được cung cấp bởi các tổ chức hợp pháp.

“Sau gần 5 năm triển khai, đây là thời điểm cần thiết để chúng ta nhìn lại tiến độ thực hiện và đánh giá các vấn đề tồn tại. Đặc biệt, cần chú trọng đến hiệu quả triển khai đối với các nhóm yếu thế: cư dân nông thôn, vùng sâu vùng xa; người nghèo, phụ nữ và những đối tượng dễ bị tổn thương khác, cũng như các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh gia đình.

Tại buổi tọa đàm này, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận các khía cạnh thiết yếu của tài chính vi mô – một công cụ quan trọng nhằm hỗ trợ người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ vươn lên, vượt qua khó khăn và xây dựng nền tảng phát triển bền vững”, Nhà báo Bùi Văn Khương nhấn mạnh.

Nội dung trọng tâm của tọa đàm bao gồm:

Đánh giá các thách thức trong việc tiếp cận tài chính vi mô, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa và những khu vực khó khăn.

Phân tích vai trò của giáo dục tài chính trong nâng cao hiệu quả triển khai các chương trình tài chính vi mô.

Đề xuất các chiến lược phát triển tài chính vi mô theo hướng bền vững, đồng bộ với Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các quy định pháp luật mới, bao gồm Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi (ban hành tháng 1 năm 2024).

Trình bày tại tọa đàm, ông Ambrosio N. Barros – Trưởng đại diện văn phòng quốc gia khu vực Mekong, Giám đốc Quốc gia IFAD Việt Nam, Lào, Myanmar và Thái Lan – Đại diện nhà tài trợ IFAD tại Việt Nam cho biết, tài chính vi mô dành cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ là một trụ cột quan trọng trong Chiến lược Quốc gia của Việt Nam, đồng thời cũng là sứ mệnh toàn cầu của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD).

“Trong gần 3 năm làm việc tại Việt Nam, qua các chuyến thăm thực địa, tôi đã chứng kiến đời sống và tiêu chuẩn sống của các cộng đồng nông thôn, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số nghèo, được cải thiện đáng kể nhờ tiếp cận tốt hơn với dịch vụ tài chính vi mô. Do đó, trước tiên tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố khung chính sách hỗ trợ phát triển bền vững dịch vụ tài chính vi mô dành cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Trong 30 năm qua, thông qua 16 dự án đã hoàn thành và đang triển khai với tổng vốn đầu tư 690 triệu USD, IFAD đã hỗ trợ phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và định hướng thị trường tại 11 tỉnh trên cả nước. Trong mỗi dự án, việc cung cấp dịch vụ tài chính vi mô cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ là yếu tố bắt buộc. IFAD cũng đã hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực của 11 Quỹ Phát triển Phụ nữ tại Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bến Tre và Trà Vinh.

Chuẩn bị cho hội thảo này, IFAD đã tiến hành khảo sát nhanh toàn bộ các Quỹ Phát triển Phụ nữ để đánh giá tình hình hiện tại, các vấn đề, thách thức và đề xuất cải thiện chính sách. Tôi rất vui mừng báo cáo rằng nhờ sự hỗ trợ ban đầu của IFAD, các Quỹ này đã phát triển rất tốt. Hiện nay, tổng dư nợ của các Quỹ đạt 870 tỷ đồng, phục vụ 73.066 thành viên thuộc 11.659 nhóm tiết kiệm và tín dụng của phụ nữ. Trong đó, 6 Quỹ đã đạt mức vốn trên 50 tỷ đồng, đủ điều kiện đăng ký trở thành tổ chức tài chính vi mô.

Tác động của dịch vụ tài chính vi mô từ các Quỹ là rất đáng kể. Ví dụ, tỷ lệ hộ nghèo trong số khách hàng của Quỹ tại Trà Vinh đã giảm từ 28% năm 2018 xuống còn 1,72% năm 2023. Tương tự, tại Gia Lai, tỷ lệ này đã giảm từ 41% năm 2018 xuống còn 10,1% năm 2023.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức. Tôi đánh giá cao việc Ban tổ chức hội thảo đã tạo cơ hội cho các đại diện của Quỹ Phát triển Phụ nữ chia sẻ những vấn đề, thách thức mà họ đang đối mặt, đồng thời đề xuất những thay đổi chính sách cần thiết để hỗ trợ sự phát triển của các Quỹ này. Tôi tin rằng các đại diện từ thực tiễn hoạt động sẽ mang đến nhiều phát hiện và ý tưởng phong phú để chúng ta cùng thảo luận hôm nay”, ông Ambrosio N. Barros chia sẻ.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng theo dõi các tham luận:

TS. Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình bày tham luận: “Tài chính vi mô trong chiến lược Tài chính toàn diện”;

PGS.TS Lê Văn Luyện – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, Thành viên Hội đồng HVNH nhiệm kỳ 2020-2025 trình bày tham luận: “Tài chính vi mô giúp giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững”;

Ông Hoàng Văn Thành, Bí Thư Đảng ủy Bộ phận Tổ chức TCVM CEP, Chủ tịch Hội đồng thành viên tổ chức TCVM CEP trình bày tham luận: Khó khăn và Thách thức khi triển khai Thông tư 33/2024-NHNN đối với TC-TCVM;

Bà Trần Thuý Linh, Giám đốc Chương trình TCVM VisionFund Việt Nam, trực thuộc tổ chức World Vision International trình bày tham luận: Khó khăn và Thách thức khi thành lập TC-TCVM.

Kết thúc tọa đàm, TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế; Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội khẳng định, tài chính vi mô không chỉ là công cụ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế mà còn đóng vai trò then chốt trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đồng thời tạo ra những cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho các cộng đồng nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Bằng cách cung cấp các nguồn lực tài chính thiết yếu cho những đối tượng khó tiếp cận các kênh tài chính truyền thống, tài chính vi mô không chỉ giúp họ vượt qua khó khăn mà còn mở ra những cơ hội mới để họ vươn lên, cải thiện cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

“Các ý kiến đóng góp trong buổi tọa đàm hôm nay đã làm rõ hơn hiệu quả thực tiễn của các mô hình tài chính vi mô, không chỉ trong việc nâng cao đời sống người dân mà còn trong việc thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia. Những câu chuyện thành công và những kết quả đạt được từ các mô hình tài chính vi mô đã chứng minh rằng đây là một công cụ hiệu quả giúp giảm nghèo bền vững và thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền.”

Theo Tạp chí Điện tử Kinh doanh và Phát triển, https://kinhdoanhvaphattrien.vn

Gửi bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *